4 mẹo giữ sức khỏe cho những người thường xuyên thức khuya
Để khắc phục tình trạng này, bạn nên cố định giờ đi ngủ và thức dậy để cơ thể quen dần. Khi đó, nhịp sinh học cũng tự thích ứng với giờ làm việc này và cảm giác uể oải sẽ bị đẩy lùi.
1. Điều chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể
Cơ thể mỗi người đều có đồng hồ sinh học được lập trình để hoạt động và tỉnh táo vào ban ngày, buồn ngủ khi đêm xuống. Vì vậy, nếu bạn phải làm việc vào buổi tối, bạn sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, kém tập trung vào ban ngày. Đó là do cơ thể bị rối loạn nhịp sinh học và chưa quen với giờ giấc bị xáo trộn.
Để khắc phục tình trạng này, bạn nên cố định giờ đi ngủ và thức dậy để cơ thể quen dần. Khi đó, nhịp sinh học cũng tự thích ứng với giờ làm việc này và cảm giác uể oải sẽ bị đẩy lùi.
2. Thay đổi thói quen ăn uống
Hầu hết những người phải làm việc ca đêm đều có thói quen ăn uống không lành mạnh. Không ít người lựa chọn đồ ăn nhanh để “đối phó” với cơn đói lúc đêm. Sự nguy hiểm ở đây là thói quen sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn như thức ăn nhanh, đồ hộp… sẽ khiến bạn mắc nhiều bệnh tật như béo phì, tiểu đường, thậm chí là ung thư.
Do đó, nếu bạn phải làm việc ca đêm, cố gắng dùng bữa ăn tối trước 8 giờ tối. Từ nửa đêm, khoảng 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng, tốt nhất là ăn các bữa ăn nhẹ có nhiều chất xơ và protein, hạn chế các món ăn nhiều đường và chất béo.
Thức khuya nhiều làm ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của cơ thể và khiến bạn mệt mỏi. Ảnh minh họa
3. Chú ý đến việc nghỉ ngơi thư giãn
Vì nhiều lý do, bạn phải làm việc cả ban đêm khiến cho giấc ngủ của bạn bị rút ngắn lại, không còn được 7-8 giờ mỗi ngày nữa. Điều này cũng đồng nghĩa với hoạt động của các cơ quan trong cơ thể bi đảo lộn, thậm chí chúng không thực hiện tốt chức năng khiến bạn cảm thấy mệt mỏi vô cùng.
Dù vì mục đích gì mà bạn phải thức đêm, bạn cũng cần đảm bảo cơ thể được nghỉ ngơi hợp lý. Bạn nên cố gắng ngủ ít nhất 4-5 tiếng mỗi ngày. Theo các nhà khoa học, nếu bạn ngủ ít hơn 4 tiếng, bạn sẽ khó ngủ sâu giấc, não và cơ thể không được thư giãn tối đa, dẫn đến tình trạng căng thẳng, mất ngủ và suy nhược thần kinh.
Ngoài ra, nếu cơ thể quá mệt mỏi, nếu có thể bạn nên dành ra một vài phút để có giấc ngủ ngắn nhằm lấy lại tinh thần nhanh chóng. Hoặc nếu không, bạn nên để cho mắt và trí óc nghỉ ngơi bằng cách rời khỏi máy tính, tài liệu và tập vài động tác thể dục nhẹ nhàng, đi bộ…
4. Uống đủ nước
Làm việc hay thức khuya sẽ khiến cơ thể bạn mất nước nhanh chóng, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho sức khỏe của bạn suy sụp nhanh chóng. Ngoài chức năng giữ cân bằng điện giải trong cơ thể, nước còn giúp các cơ quan trong cơ thể “tỉnh táo” để làm tốt chức năng của chúng dù là ban ngày hay ban đêm.
Vì vậy, bạn cần luôn đảm bảo cơ thể bạn không bị mất nước, nhất là về đêm. Trong suốt thời gian bạn làm việc trong một văn phòng có trang bị điều hòa nhiệt độ, cơ thể sẽ phải đối mặt với tình trạng mất nước do không khí lạnh nên bạn phải cung cấp nước cho cơ thể trong suốt cả ngày. Khi bạn không cung cấp đủ lượng nước cơ thể cần, không chỉ da dẻ bị khô ráp mà tinh thần của bạn cũng thấy uể oải, khó tập trung. Tốt nhất, bạn nên giữ một chai nước trên bàn làm việc và uống đều đặn.