5 điều nên tránh để có những bức ảnh chân dung tuyệt đẹp
Theo nhiếp ảnh gia Manny Ortiz, cần lưu ý không làm 5 điều dưới đây vì nó có thể gây ảnh hưởng đến bức ảnh chân dung của bạn.
Để có được một bức ảnh chân dung đẹp thì ngoài kỹ năng, còn rất nhiều yếu tố khác cần được lưu ý. Giao tiếp với người mẫu, tìm địa điểm hợp lý, thiết bị, ánh sáng khi chụp và rất nhiều những thứ khác đều đáng được lưu tâm. Nhiếp ảnh gia Manny Ortiz đến từ Chicago bằng kinh nghiệm của mình sẽ chia sẻ cho chúng ta 5 điều cần tránh để có được một bức ảnh chân dung đẹp.
1. Khi tìm địa điểm chụp, đừng nghĩ đến những nơi mình thích
Tìm bối cảnh để chụp là một việc quan trọng và bạn sẽ luôn nghĩ đến những địa điểm mà mình thích hoặc đã biết. Tuy nhiên việc nghĩ đến nó đầu tiên lại làm cho chúng ta bị giảm bớt đi cơ hội của mình. Vì sao lại như vậy. Theo Manny, những bức ảnh sẽ ngày càng được cải thiện trong quá trình chụp và điều quan trọng là bạn biết cách liên kết với người mẫu cũng như thử nghiệm các ý tưởng mới với một địa điểm mới. Bạn có thể quay trở lại các địa điểm mình thích để chụp chỉ khi có thêm các ý tưởng sáng tạo với nó.
2. Không sợ chụp ra những bức ảnh xấu
Ngay cả những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp không phải lúc nào cũng chụp ra những bức ảnh đẹp. Trong quá trình chụp là lúc bạn có thể thử nghiệm những ý tưởng mới, vì thế không tránh khỏi chúng ta sẽ chụp ra những bức ảnh xấu. Tuy nhiên, chúng không làm bạn bị “kém tay nghề” đi mà chúng ta sẽ sử dụng những bức ảnh này để tìm hiểu xem điều gì ảnh hưởng đến bức ảnh. Một mặt khác, đôi khi chính những bức ảnh đẹp nhất lại được tạo ra “một cách tình cờ” trong quá trình chúng ta thử nghiệm, chính điều này đã khiến nó trở nên tuyệt vời hơn.
“Tôi đã thử nghiệm với nhiều loại ánh sáng tông lạnh nhưng kết quả ra không tốt lắm”
“Ở một ảnh khác, tôi đã không nghĩ rằng nó sẽ thành một thứ gì đó ổn nhưng kết quả mang lại thì tuyệt vời”
3. Đừng chỉ đứng sau máy ảnh, hãy giao tiếp đi nào
Khi bạn chụp ảnh ai đó, điều quan trọng là chúng ta phải giao tiếp với họ và nhận lại những ý kiến phản hồi. Vì vậy, nếu chúng ta chỉ đứng sau máy ảnh và nói chuyện thì việc này hoàn toàn không gọi là giao tiếp được. Hãy chụp vài kiểu ảnh, sau đó di chuyển góc máy, nhìn và nói chuyện với người mẫu. Chúng ta hãy cho họ biết họ đã tạo dáng đúng chưa, biểu lộ khuôn mặt thế nào để tạo cảm giác thoải mái cũng như cải thiện cho những bức ảnh sau.
4. Đừng khiến người mẫu thấy lúc nào cũng phải tạo dáng
Nếu chúng ta được chụp với những người mẫu chuyên nghiệp thì công việc đó vô cùng dễ dàng. Những nếu chúng ta làm việc với người mẫu nghiệp dư hoặc chụp cho bạn bè, thì việc đó hoàn toàn khác. Người mẫu sẽ không thể nắm được hết cách thức tạo dáng cho phù hợp, từ đó sẽ tạo nên tâm lý e ngại và dáng vẻ sẽ khô cứng. Với trường hợp này chúng ta cần cho các bạn mẫu thư giãn trước và sẽ tiếp tục chụp sau. Chúng ta sẽ khuyến khích người mẫu vui chơi thoải mái à nắm bắt những khoảnh khắc đó. Chính yếu tố này sẽ khiến chúng ta có những bức ảnh đẹp và rất tự nhiên.
5. Không ngại tốn shot, hãy chụp nhiều thêm
Vì số lần hoạt động của màn trập là có giới hạn cũng như dung lượng lưu trữ hạn chế nên phần nào đó chúng ta luôn cố gắng giảm bớt số lượng ảnh cho một lần chụp. Tuy nhiên đây không phải là một việc làm đúng đắn. Nếu chúng ta cố gắng tận dụng và chụp số lượng ảnh nhiều hơn, mặc dù điều này sẽ khiến chúng ta mất thời gian xử lý những kết quả đem lại sẽ mang đến sự bất ngờ. Rất nhiều bức ảnh đẹp được chụp bởi cái thời gian “vội vàng” đó và chúng ta sẽ rất tiếc nếu như lúc đó không chụp thêm. Bạn cứ thử xem.
Mặc dù còn rất nhiều những kỹ năng cũng như các yếu tố ngoại cảnh mới có thể cho chúng ta một bức ảnh chân dung đẹp, tuy nhiên những lưu ý trên này phần nào giúp cho ta có được một buổi chụp đủ hoàn hảo để sáng tác.
Theo Diyphotography