Khái niệm định dạng ảnh RAW và JPEG
Hầu hết các máy ảnh số hiện đại đều cho người dùng chọn định dạng lưu ảnh chụp. Đôi khi có đến vài lựa chọn, cả về độ lớn và chất lượng file, nhưng về bản chất chúng chỉ bao gồm 2 định dạng đó là JPEG và RAW
. Sở dĩ có nhiều lựa chọn như vậy là do các hãng sản xuất chia 2 định dạng này ra làm nhiều mức dung lượng. Ví dụ như dòng DSLR của Canon thì hãng này thường chia định dạng JPEG ở 2 hoặc 3 lựa chọn độ phân giải khác nhau, với mỗi lựa chọn lại đi kèm với một tỉ lệ ảnh tương ứng hoặc 4:3, hoặc 3:2 hoặc 16:9. Vậy, chung quy lại JPEG là gì và RAW là gì?
1. Định dạng ảnh RAW
Để hiểu về định dạng ảnh RAW thì trước tiên ta cần phải biết nghĩa của từ “raw” trong tiếng Anh. Nó có nghĩa là “thô”, trong từ “thô sơ”. Ảnh RAW chỉ những bức ảnh thô chưa qua xử lý, tức là là tất cả những thông tin về ánh sáng, màu sắc, cân bằng trắng, độ nét, độ tương phản… sẽ được chuyển thẳng đến bộ nhớ tạm và “đóng gói” lại thành 1 file ảnh RAW.
Ưu điểm của ảnh RAW cũng nằm ở đặc tính “thô” chưa qua xử lý của nó. Với định dạng RAW, nhiếp ảnh gia có thể dễ dàng chỉnh sửa và thay đổi những yếu tố như ánh sáng, màu sắc, cân bằng trắng, độ tương phản hay thậm chí là lấy nét mà không hoặc ít làm ảnh hưởng đến chất lượng ảnh ban đầu. Phạm vi chỉnh sửa đối với ảnh RAW cũng rộng hơn hẳn những định dạng ảnh sau khi qua xử lý.
Tuy nhiên, vì bản thân ảnh RAW chứa quá nhiều thông tin nên dung lượng của nó thường khá nặng. Thời gian cần để ghi 1 file ảnh vào thẻ nhớ cũng lâu hơn. Điều này có thể làm giảm tốc độ chụp liên tiếp của máy. Chính vì vậy khi chụp RAW, người dùng phải trang bị những loại thẻ nhớ xịn có dung lượng lớn và tốc độ đọc/ghi dữ liệu nhanh.
2. Định dạng ảnh JPEG
Ảnh JPEG chính là kết quả sau khi chip xử lý đã “gọt giũa” những thông tin thô của ảnh RAW. Dung lượng ảnh JPEG nhẹ hơn ảnh RAW rất nhiều, những thông tin về ánh sáng, màu sắc, cân bằng trắng, độ tương phản, độ nét trên ảnh JPEG là những thông tin đã qua xử lý. Bộ phận thực hiện nhiệm vụ này tất nhiên là chip xử lý hình ảnh bên trong chiếc camera, sau khi quá trình xử lý hoàn tất, ảnh sẽ được chuyển đến bộ nhớ tạm và cuối cùng là lưu vào thẻ nhớ.
Ưu điểm của ảnh JPEG là ít tốn dung lượng, tuy nhiên nhược điểm của nó là phạm vi chỉnh sửa hạn chế hơn ảnh định dạng RAW. Khi làm hậu kỳ nếu chỉnh sửa hơi quá tay thì ảnh JPEG rất dễ bị hỏng, chất lượng kỹ thuật của ảnh bị giảm đi nhiều.
3. So sánh giữa RAW và JPEG
Dung lượng Ảnh RAW dung lượng nặng hơn: nếu như 1 thẻ nhớ có thể lưu được 100 ảnh định dạng RAW thì cũng với chiếc thẻ nhớ đó, số lượng ảnh định dạng JPEG lưu được có thể lên tới con số khoảng từ 300 đến 500 ảnh. Tức dung lượng của ảnh RAW nặng hơn ảnh JPEG gấp 3 đến 5 lần.
Quy ước Định dạng ảnh JPEG trên máy ảnh số thì được quy ước chung trên toàn thế giới bao gồm tên file và phần đuôi mở rộng là “.jpg”. Trong khi đó, với định dạng RAW thì không. Mỗi hãng lại có phần đuôi mở rộng riêng, ví dụ như định dạng RAW của Canon có đuôi mở rộng là “.CR2”, của Nikon có đuôi là “.NEF” và của Sony có đuôi là “.ARW”…
Xem ảnh Ảnh JPEG có thể xem được trên hầu hết các thiết bị như điện thoại, máy tính bảng, máy tính và cả máy ảnh nữa… Tuy nhiên ảnh RAW thì không phải thiết bị nào cũng có thể xem được và nếu muốn xem thì thường phải cài thêm phần mềm hỗ trợ đọc định dạng RAW. Ngay cả chính thiết bị tạo ra nó là máy ảnh đôi khi cũng không đọc được định dạng ảnh này, một số model máy ảnh không có chế độ chụp và lưu chỉ riêng file RAW cũng là vì lý do đó. Các máy này phải dùng giải pháp lựa chọn tùy chỉnh RAW + JPEG, trong đó ảnh RAW để sử dụng trong quy trình hậu kỳ, còn ảnh JPEG đi kèm dùng để xem trước (preview) trên màn hình của máy ảnh.
Chỉnh sửa ảnh hậu kỳ Ảnh định dạng RAW cho một phạm vi chỉnh sửa tốt hơn nhiều so với ảnh định dạng JPEG. Khi chỉnh sửa hậu kỳ, ảnh RAW cho chúng ta một khả năng kéo lại những phần sáng và tối rất tốt mà không sợ làm hỏng chi tiết ảnh như khi thao tác tương tự với ảnh JPEG. Ngoài ra, yếu tố cân bằng trắng cũng có thể được thay đổi sau khi đã chụp với định dạng ảnh RAW…
Ảnh RAW, tạm tóm tắt là ảnh thô chưa qua xử lý. Tức là là tất cả những thông tin về ánh sáng, màu sắc, cân bằng trắng, độ nét, độ tương phản trong bức ảnh sau khi chụp sẽ được chuyển thẳng đến bộ nhớ tạm và “đóng gói” lại thành 1 file ảnh RAW. Hay hiểu cách khác, chúng chỉ là những thông số mã hóa chứ chưa thực sự được xử lý để áp dụng vào hình ảnh.
So với ảnh JPEG, ảnh RAW có rất nhiều ưu điểm khi xử lý ảnh hậu kỳ. Cụ thể, ảnh RAW cho một phạm vi chỉnh sửa tốt hơn nhiều so với ảnh JPEG. Khi chỉnh sửa, ảnh RAW cho chúng ta một khả năng kéo lại những phần sáng và tối rất tốt mà không sợ làm hỏng chi tiết ảnh.
Ngoài ra, yếu tố cân bằng trắng có thể thay đổi được sau khi đã chụp cũng là một ưu điểm rất lớn của ảnh định dạng RAW…
Tuy nhiên, làm thế nào để tận dụng tối đa ưu điểm của ảnh RAW thì đó thực sự là một câu hỏi không dễ trả lời. Thậm chí, nhiều nhiếp ảnh gia mặc dù hàng ngày vẫn chụp RAW nhưng lại đang bỏ qua vấn đề này
4. Cần phải biết khi nào thì chụp RAW
Khi nào thì chụp RAW? Đó là khi bạn chụp ảnh trong những điều kiện ánh sáng không thuận lợi. Ví dụ như khi bạn chụp ngoài trời với một môi trường quá sáng, hay chụp trong nhà với điều kiện ánh sáng quá tối. Lúc này, sử dụng định dạng ảnh RAW sẽ cho phép bạn có thể giữ được chi tiết ảnh tốt nhất, khử noise hiệu quả nhất khi cân bằng lại ánh sáng trong khâu làm ảnh hậu kỳ.
Một trường hợp nữa là môi trường xung quanh nơi bạn chụp có cường độ sáng vừa phải, không quá tối hoặc quá sáng, nhưng ánh sáng đó lại có màu, có nhiệt độ màu không tự nhiên. Bạn sẽ bắt gặp điều này khi chụp trong nhà với ánh sáng từ bóng đèn sợi đốt, bóng đèn huỳnh quang… những nguồn sáng này thường làm bức ảnh của bạn bị ám một chút màu, ví dụ như đèn sợi đốt, đèn dây tóc sẽ khiến ảnh bị ám màu vàng, đèn huỳnh quang, đèn tuýp sẽ khiến ảnh bị ám màu xanh. Tất nhiên, bạn có thể đặt lại cân bằng trắng hoặc để máy tự động chỉnh mỗi lần bạn bấm chụp. Nhưng… nếu đặt cố định một giá trị cân bằng trắng trong lúc chụp thì chưa chắc đã hiệu quả bởi mỗi một hướng sáng trong cùng bối cảnh bạn chụp sẽ cho ra một cường độ ám mạnh nhẹ khác nhau. Việc tự động cân bằng trắng thì đôi khi lại không chính xác. Chính vì vậy, hãy chọn giải pháp là chụp ảnh RAW để có thể thay đổi giá trị cân bằng trắng sau khi đã chụp xong tấm hình bằng công đoạn hậu kỳ.
5. Đọc ảnh RAW bằng phần mềm chính hãng
Có 2 phần mềm được dùng để đọc và xử lý ảnh RAW mà có lẽ ai ai trong giới nhiếp ảnh gia cũng đều phải biết đó là Adobe Lightroom và Adobe Photoshop. Vì cùng được phát triển bởi hãng Adobe nên về bản chất, cả 2 phần mềm đều sử dụng chung một chương trình đọc file RAW có tên là Camera Raw. Rất nhiều người sử dụng chương trình này để đọc ảnh RAW của mình nhưng thực tế thì đây không phải là cách tốt nhất vì Camera Raw không phải là phần mềm chính hãng nên chỉ có thể đọc được gần đúng những thông tin được mã hóa trong ảnh RAW.
Phần mềm Adobe Camera Raw.
Vì vậy, để đạt được độ chính xác và hiệu quả cao thì cách tốt nhất là ảnh RAW của hãng nào thì nên được đọc bằng phần mềm chính hãng của hãng đó. Ví dụ:
Phần mềm chính hãng để đọc file RAW của Canon là DPP (Digital Photo Professional)
Phần mềm Canon Digital Photo Professional.
Phần mềm chính hãng để đọc file RAW của Nikon là ViewNX, Capture NX
Phần mềm ViewNX.
Phần mềm Capture NX.
Khi đọc bằng phần mềm chính hãng, độ chi tiết, độ nét, độ tương phản và màu sắc của ảnh chắc chắn sẽ được thể hiện lại chính xác nhất so với thực tế và những gì máy ảnh ghi nhận. Cho nên, hãy sử dụng những phần mềm chính hãng để đọc file RAW, chỉnh trước một số yếu tố và sau đó xuất nó ra file JPEG để xử lý bằng những phần mềm khác nếu cần. Làm như vậy, bạn sẽ giảm bớt được sự nặng nhọc khi xử lý ảnh hậu kỳ bởi thao tác với file JPEG nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với file RAW.
6. Chỉ chụp RAW khi chắc chắn có thời gian dành cho nó
Không ít người có suy nghĩ rằng, cứ chụp RAW sau đó nếu không chỉnh sửa gì thì thì có thể chuyển thành ảnh JPEG để sử dụng ngay. Suy nghĩ này là không đúng, ảnh RAW không phải định dạng ảnh được sinh ra để “ăn ngay”… nó cần được “chế biến”, cần được chỉnh sửa trước khi sử dụng. Bởi có nhiều thông số sẽ không được áp dụng vào hình ảnh nếu như bạn chỉ dung phần mềm đọc file RAW và xuất, chuyển nó sang file JPEG để sử dụng ngay. Ví dụ như: độ bão hòa màu (Saturation), độ tương phản (Contrast), độ nét (Sharpening)…
Chính vì vậy, hãy chỉ chụp RAW khi bạn có khả năng chỉnh sửa ảnh hậu kỳ và chắc chắn có thời gian để làm việc đó. Nếu muốn dùng ngay hãy chọn chụp JPEG thay vì chụp RAW. Hoặc nếu không bạn hãy chọn chế độ chụp song song 1 ảnh RAW và 1 ảnh JPEG nếu máy ảnh của bạn có lựa chọn này.
Nguồn Vua Nhiếp Ảnh