iPhone, smartphone Android có thể bị cấm nhập khẩu vào Mỹ
TSMC bị kiện vì vi phạm sáng chế. Ảnh: Phonearena. |
The WSJ, công ty gia công chip GlobalFoundries đã cáo buộc TSMC – nhà sản xuất chip độc lập lớn nhất thế giới – vi phạm 16 bằng sáng chế. Đơn kiện được đệ trình tại nhiều địa điểm, bao gồm Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC), Tòa án Quận Liên bang Mỹ tại Quận Delaware và Quận Tây Texas, cùng Tòa án Khu vực Düssre và Mannheim ở Đức.
Trong đơn kiện, GlobalFoundries cho rằng TSMC đã sử dụng các quy trình sản xuất 7nm, 10nm, 12nm, 16nm và 28nm trái phép. Những sản phẩm được sản xuất trên quy trình này hiện chiếm hơn 50% doanh thu cho TSMC. Phía nguyên đơn muốn bị đơn đền bù thiệt hại bằng tiền mặt (lên tới hàng tỷ USD), cũng như cấm các thiết bị vi phạm sáng chế nhập khẩu vào Mỹ.
Có 20 công ty bị cáo buộc sử dụng sản phẩm mà TSMC vi phạm, bao gồm các doanh nghiệp công nghệ tự thiết kế chip nhưng không có nhà máy để sản xuất chúng, như Apple, Broadcom, Mediatek, NVIDIA, Qualcomm và Xilinx. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất thiết bị công nghệ như Arista, Asus, BLU, Cisco, Google, HiSense, Lenovo, Motorola, TCL và OnePlus cũng có liên quan.
ITC sẽ thông báo điều tra trong vòng một tháng kể từ khi nhận khiếu nại, và phán quyết cuối cùng được đưa ra sau 15 tháng. Trong trường hợp phát hiện GlobalFoundries bị xâm phạm sáng chế, ITC có thể ban hành lệnh cấm nhập khẩu thiết bị vi phạm vào Mỹ.
Nếu bị cấm, Apple sẽ là một trong những công ty chịu thiệt hại nặng nhất, bởi hầu hết chip trên iPhone, iPad đều do TSMC sản xuất. Bên cạnh đó, các sản phẩm Android chạy chip Qualcomm cũng ảnh hưởng nặng nề. Năm ngoái, TSMC cho biết đang sản xuất 10.436 sản phẩm với 261 công nghệ riêng biệt cho 480 khách hàng khác nhau.
GlobalFoundries có trụ sở tại California (Mỹ), nhưng thuộc sở hữu của Mubadala Investment Co., một chi nhánh đầu tư của Abu Dhabi. Khác với những đối thủ như TSMC đầu tư nhà máy vào châu Á, công ty này liên tục chi tiền cho châu Âu (6 tỷ USD) và Mỹ (15 tỷ USD) trong hơn một thập kỷ qua. Hướng đi của GlobalFoundries là sản xuất chip giá rẻ, công nghệ đời cũ. Trong quý đầu tiên của 2019, công ty này chiếm 8,4% thị phần mảng chip, sau TSMC (48,1%) và Samsung (19,1%).
Bảo Lâm (theo Phonearena)