Mánh khóe tinh vi của “nhiếp ảnh gia chiến tranh” chỉ ngồi nhà mà lừa được hàng chục kênh thông tin hàng đầu thế giới
Một vụ lừa đảo tầm cỡ bắt nguồn từ một trò đùa internet của những kẻ “rỗi hơi” – qua mặt những đầu báo lớn trên thế giới bằng vài mẹo vặt cùng những lời bịa đặt trắng trợn.
Những ngày qua, dư luận thế giới tỏ ra khá bất bình trước vụ việc một kẻ giấu mặt ngồi nhà “mượn” danh tính của người khác để giả mạo và lừa gạt hơn 120.000 cư dân mạng dưới cái mác “phóng viên ảnh chiến tranh của Liên Hợp Quốc”.
Được cho là sống sót kiên cường qua căn bệnh ung thư máu ở trẻ em suốt những năm tháng niên thiếu, chàng thanh niên với ngoại hình điển trai Eduardo Martins gây sửng sốt khi công bố những hình ảnh về cuộc chiến khốc liệt tại Gaza, Syria và Iraq. Tự xưng là nhiếp ảnh gia chiến tranh, những tác phẩm báo ảnh này của gã nhanh chóng được chuyển tới các cơ quan truyền thông như Getty Images, Zuma, và NurPhoto và xuất bản trên tờ The Wall Street Journal, Le Monde, The Telegraph và BBC Brazil
Trước khi vụ lừa đảo được phơi bày trước truyền thông, Eduardo Martins được coi như một hình tượng của phái mạnh và niềm đam mê xê dịch của tuổi trẻ
Vào thời điểm vụ giả mạo thế kỉ này được các nhiếp ảnh gia và một phóng viên đài BBC ở Brazil là Natasha Ribeiro phơi bày trước ánh sáng, Eduardo Martins đã sở hữu một lượng người theo dõi khá đông đảo trên các mạng xã hội Twitter và Instagram. Trước khi vụ việc bung bét, y được coi như một biểu tượng của phái mạnh và niềm đam mê xê dịch của tuổi trẻ.
“Kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”
Người đầu tiên nghi ngờ vỏ bọc của Martins không ai khác chính là một “đồng nghiệp” của y – nhà báo chiến tranh kiêm chủ mục anh Fernando Costa Netto. Trớ trêu thay, mới chỉ một thời gian ngắn trước thôi, chính Netto lại là người chắp bút xuất bản một bài báo ca ngợi công việc của kẻ giả mạo trắng trợn này.
Một bức ảnh bị Martins giả mạo được đăng tải trên tờ Wall Street Journal.
Ngay sau khi nhận được những lời cảnh báo đến từ các tổ chức truyền thông, Netto đã càng khẳng định nghi vấn của mình. Anh lập tức liên lạc với Martins để làm rõ vụ việc nhưng không nhận được gì hơn một email từ gã thông báo rằng mình sẽ “đi ở ẩn, tránh xa mạng xã hội thị phi một thời gian”. Vào thời điểm nhận thấy “kim trong bọc” đã đến ngày lòi ra, Martins đã xóa ngay các bức ảnh được đăng trên các tài khoản Instagram, Facebook và đi trốn tại Úc.
Những bằng chứng thép
Vậy làm thế nào một tay vô danh có thể đánh lừa không những 120.000 người theo dõi, mà còn đánh lừa cả những tổ chức truyền thông và các cơ quan báo chí hàng đầu thế giới?
Một nhiếp ảnh gia người Brazil tên là Ignacio Aronovich đã bắt tay vào công cuộc vạch mặt cú lừa thế kỉ này. Trong một bài đăng Facebook, ông Aronovich đã phân tích chi tiết một số hình ảnh giả mạo của Martins.
Những nghi vấn đầu tiên xuất hiện trong chính những “tác phẩm” của Martins.
Ví dụ, trong một bức ảnh, “nhiếp ảnh gia” Martins xuất hiện với chiếc máy ảnh đồng hành. Điều đáng nói ở đây là chiếc máy ảnh này lại có nút chụp ở phía tay trái, thay vì tay phải như quy ước của máy ảnh truyền thống. Điều này đã gợi cho ông Aronovich những “manh mối” mới. Ngay sau đó, ông Aronovich đã… đối chiếu những bức ảnh được cho là “tác phẩm báo chí nhiếp ảnh” của Martins và tìm kiếm nguồn gốc thật của chúng bằng công cụ căn bản: Google. Mông lung như một trò đùa, tác giả thực sự của một số bức ảnh lại là nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kì ông Daniel C. Britt.
Tác giả thực sự của một số bức ảnh lại là nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kì ông Daniel C. Britt.
Bằng cách lật phản chiếu các bức ảnh gốc, Martins đã có thể đánh lừa các công cụ tìm kiếm hình ảnh hiện thành, đánh cắp thành quả lao động của các nhiếp ảnh gia chân chính và đánh lừa các tổ chức truyền thông cũng như báo giới.
Bên cạnh đó, một số sơ hở khác như những mô tả về vài bức ảnh mà gã “ăn cắp” được cũng đã giúp báo chí bóc trần vỏ bọc của Martins. Thậm chí một vài bức ảnh còn có xuất xứ thật từ những bài viết trong tạp chí… Playboy số ra năm 2014.
Nhận xét về hành động táo tợn này, nhiếp ảnh gia Britt chia sẻ: “Eduardo Martinsi, dù cho hắn có thật sự là ai đi chăng nữa, cũng là một gã thông minh khi lừa đảo thành công các biên tập viên của các tạp chí danh tiếng như The Wall Street Journal. Mỗi bức ảnh là một phần của hiện thực khốc liệt của chiến tranh, tôi rất thất vọng vì Eduardo Matins đã đưa ra những mô tả sai lầm về thời gian, không gian của cuộc chiến, khiến cho người đọc hiểu sai về thực trạng tin tức. Đây là hành động đi ngược lại với tuyên ngôn báo chí!”.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đây, đôi mắt tinh tường của nhiếp ảnh gia Natasha Ribeiro của BBC Brazil còn phát hiện ra những bằng chứng kinh khủng hơn nữa. BBC Brazil chính là một trong số những kênh tin đã đăng tải những bài viết về cuộc đời và “thành tựu” của Martins, tất nhiên là trước khi mọi việc vỡ lở.
Martins khẳng định nhân loại “nên tận mắt chứng kiến cảnh tượng khốc liệt này”, khi nói đến sự kinh hoàng của chiến tranh ở Iraq – Trong khi bản thân còn chưa đặt chân tới vùng đất này.
Một cộng tác viên cho BBC Brazil đến từ Trung Đông, anh Ribeiro cùng nhiều đồng nghiệp đã đào sâu vào những chi tiết mà Martins bịa đặt ra. Họ phát hiện ra, không ai thực sự chứng kiến quá khứ của kẻ lừa đảo này. Thậm chí những cơ quan và các tổ chức phi chính phủ ở Syria hay Iraq đều khẳng định rằng, họ chưa từng nghe đến cái tên phóng viên ảnh Eduardo Martins. Trong khi Martins còn khuyến cáo mọi người “nên tận mắt chứng kiến cảnh tượng khốc liệt này”, khi nói đến sự kinh hoàng của chiến tranh ở Iraq.
Những điểm không nhất quán
Trở lại thời điểm tháng 8 vừa qua, Eduardo Martins đã “giới thiệu” với kênh BBC Brazil rằng, mình là một tình nguyện viên của Liên Hợp Quốc (UN), làm việc trong các tổ chức của các trại tị nạn. Song trên thực tế, theo xác nhận của đại diện truyền thông Adrian Edwards, Liên Hợp Quốc chưa từng ghi nhận một hồ sơ nào của tình nguyện viên tên Eduardo Martins cả.
Tiếp tục là những “tác phẩm” của một trò đùa internet.
Eduardo Martins thậm chí còn “tạo ra” một cô bạn gái tưởng tượng nhằm sử dụng cô để liên lạc với các nhà báo và tăng tính xác thực cho lý lịch của mình. Ngay cả đến sáu người trong danh sách thường xuyên liên lạc với Martins cũng khẳng định họ chưa từng gặp gỡ trực tiếp mà chỉ trao đổi qua mạng xã hội với tay lừa đảo này.
Trang Mashable liên lạc với NurPhoto, một trong những cơ quan phân phối hình ảnh của Martins, để làm rõ vụ việc. Giám đốc điều hành của Mashable, ông Manuel Romano yêu cầu các trang mạng ngay lập tức xóa bỏ tất cả nội dung, hình ảnh do Eduardo Martins cung cấp và cảnh báo tất cả khách hàng và đối tác truyền thông nên lưu ý đến trường hợp lừa đảo thế kỉ này. Romano nói thêm rằng, công ty hiện đang đệ đơn lên tòa án để cùng cảnh sát can thiệp vào vụ lừa đảo này.
Vậy ai thật sự là người bị đánh cắp danh tính?
Với vẻ ngoài nam tính, danh tính của anh Max Hepworth-Povey đã bị tay Martins “mượn” để đóng vai nhiếp ảnh gia chính trong vở kịch của mình.
BBC Brazil xác định người bị Martins mạo danh ở đây là một thợ lướt sóng 32 tuổi người Anh tên là Max Hepworth-Povey, đến từ Cornwall. Chia sẻ với biên tập viên tạp chí Wavelength, anh Hepworth-Povey tỏ ra khá ngạc nhiên khi có người lại lấy những hình ảnh của mình trên facebook cũ và bịa đặt ra cả một “cuộc đời” để lừa gạt báo giới: “Tôi đang thư giãn, nhấm nháp rượu thì một người bạn thông báo rằng, danh tính của tôi đã bị đánh cắp để phục vụ một trò đùa của một gã thần kinh nào đấy?! Trò đùa đã đi quá xa khi tay này lôi các quốc gia đang tham chiến vào cuộc chỉ để gây chú ý!”
Nguồn Kênh14
|