Ưu điểm: + Thiết kế thân kim loại, dễ cầm + Màn hình độ chi tiết cao, màu tự nhiên + Thời lượng pin dài + Camera chụp đêm khá đẹp Nhược điểm: – Chơi game giật, lag khó chịu – Ảnh chụp cân bằng màu kém
Giá bán: 5.089.000 VND
Galaxy J7 Prime có giá bán chính hãng 6,29 triệu đồng với hai lựa chọn màu là xám đen và vàng. Nay chỉ còn 5.089.000 VND.
Galaxy J7 Prime và Oppo F1s có thiết kế và cấu hình khá giống nhau. So với sản phẩm của Oppo, chiếc Galaxy J7 Prime có độ phân giải màn hình cao hơn, xung nhịp CPU nhỉnh hơn chút và pin lớn hơn. Song, chiếc Oppo F1s lại có camera trước có độ phân giải lớn hơn, 16MP so với 8MP của đại điện đến từ Samsung.
Thiết kế
Galaxy J7 Prime có thiết kế thân kim loại mới mẻ so với các smartphone tầm trung của Samsung. Nếu so với các hãng khác, thiết kế của điện thoại này giống với chiếc Redmi Note 3 đời cũ của Xiaomi. Phần lưng máy có chất liệu chủ yếu là kim loại trong khi hai đầu phía trên và dưới có chất liệu nhựa. Kiểu dáng mặt lưng của hai máy cũng khá giống nhau, bo tròn các góc và cạnh. Bề mặt kim loại được sơn mịn không bị trơn và trông đẹp hơn chút so với Redmi Note 3, song chưa được sang và khoẻ khoắn như Redmi Note 4.
Galaxy J7 Prime có đường viền cạnh trái và phải là kim loại liền tấm với mặt lưng nhưng các chi tiết trên hai cạnh này (phím nguồn, âm lượng, hai khay SIM và thẻ nhớ) có chất liệu nhựa, không phải kim loại. Tuy vậy, các phím bấm trên máy có độ nảy tốt và dễ thao tác. Điểm khác lạ ở cạnh phải là sự xuất hiện của khe loa ngoài khá nhỏ nằm phía trên phím nguồn. Âm lượng loa ngoài khá lớn song âm mỏng và bị rè khi tăng lên mức cao.
Mặt lưng chủ yếu từ kim loại nhưng 2 đầu trên dưới vẫn là nhựa
Loa ngoài được đặt ở vị trí khá lạ là cạnh phải, phía trên nút nguồn
Ở phía mặt trước, màn hình của J7 Prime cong 2.5D ở mép và phần viền được tối ưu khá tốt, trông gọn gàng hơn so với những sản phẩm cùng tầm giá. Tỷ lệ diện tích hiển thị và toàn bộ mặt trước của sản phẩm là 73% so với Oppo F1s là 71%. Đây là con số khá cao, đặc biệt khi so với điện thoại HTC cùng tầm giá thì tỷ lệ này thường ở mức 67-69%. Điều này giúp bề ngang của máy gọn và dễ cầm một tay hơn.
Mặt trước của J7 Prime cũng có sự xuất hiện của phím Home chứa cảm biến vân tay. Cảm biến vân tay này có cơ chế hoạt động liên tục, chỉ cần chạm vào phím Home (không cần bấm) giống như cảm biến trên các máy của Xiaoimi. Cảm biến hoạt động khá nhạy, chỉ cần chạm vào là gần như màn hình đã hiện lên ngay sau đó.
Về độ hoàn thiện, những đường kết nối giữa kim loại và nhựa ở đầu trên và dưới của J7 Prime khá mịn màng và khít. Nhìn chung, nếu so với Samsung thì việc trang bị thân kim loại cho J7 Prime là một điều mới mẻ. Điều này kết hợp với những thông số cấu hình khá cao làm cho sản phẩm trở nên có sức hút. Nhưng có thể thấy những gì J7 Prime có thì một số smartphone Trung Quốc giá chỉ bằng hơn một nửa như Xiaomi Redmi Note 3 cũng đã có rồi.
Mép màn hình mặt trước cong 2.5D
camera không bị lồi
Thân máy khá mỏng
Các cổng kết nối tập trung ở cạnh dưới
Máy hỗ trựo 2 khe cắm Nano SIM và thẻ nhớ riêng biệt
Phụ kiện đi kèm gồm củ, cáp sạc, tai nghe và một que chọc SIM
Màn hình
Màn hình 5.5 inch của Galaxy J7 Prime có độ phân giải Full-HD với mật độ điểm ảnh 401 PPI, có độ chi tiết tốt. Máy sử dụng loại màn hình LCD PLS (một biến thể khác của IPS) chứ không phải AMOLED quen thuộc trên các máy Samsung. Màn hình này có độ sáng ở mức khá và có chế độ tăng độ sáng cao hơn tối đa của mức chỉnh tay để xem rõ hơn ngoài trời. Khi sử dụng ngoài trời, bật chế độ này lên thì độ sáng màn hình đủ để nhìn rõ cả dưới trời nắng. Góc nhìn màn hình rộng, nhiệt màu ngả xanh khiến màu nền trắng hơi lạnh. Tuy nhiên, vẫn giống như các điện thoại Galaxy J khác, J7 Prime không có cảm biến ánh sáng để tự đồng điều chỉnh độ sáng màn hình theo môi trường.
Màn hình của J7 Prime (phía dưới) trông nhạt hơn chút so với Oppo F1s (phía trên)
Về màu sắc, lúc mới dùng, chúng tôi thấy màu sắc của J7 Prime thể hiện khá xỉn, hơi nhợt nhạt và không nịnh mắt. Tuy nhiên, khi đo trên thiết bị chuyên dụng, kết quả cho thấy màn hình của máy thể hiện màu sắc khá chuẩn. Các màu cơ bản đều gần với màu tiêu chuẩn. Có lẽ do quen với màu sắc sinh động trên các màn hình AMOLED của Samsung và nhiều smartphone của các hãng gần đây có xu hướng chỉnh màu màn hình đậm hơn, nên khi nhìn vào màn hình gần với màu tiêu chuẩn lại thấy nhạt, thiếu sinh động.
Ngoài màu sắc, kết quả đo cũng cho thấy màn hình của J7 Prime có độ sáng tối đa ở mức khá, khả năng thể hiện màu đen và độ tương phản tốt.
Bảng đo màn hình J7 Prime cùng một số máy cùng tầm giá
Màu sắc cơ bản thể hiện khá tốt
Phần mềm
Phần mềm của J7 Prime là phiên bản Android 6 giống với chiếc J7 (2016). Trên điện thoại này, Samsung đã trang bị hai tính năng mới đáng chú ý là chế độ lái xe an toàn S Bike và chế độ Siêu tiết kiệm dữ liệu.
S Bike là chế độ nhằm giúp người dùng lái xe an toàn hơn. Khi kích hoạt chế độ này, người dùng sẽ không nhận được thông báo nào trong lúc lái xe. Trong trường hợp khẩn cấp, người dùng vẫn có thể nhận được cuộc gọi nhưng cần dừng lại hoặc lái xe tốc độ dưới 10km/h mới nghe được cuộc gọi.
Chế độ S Bike
Trong khi đó, chế độ Siêu tiết kiệm pin khi bật thì các dữ liệu (ảnh, video và âm thanh) tải về máy và tải từ máy lên mạng sẽ được nén lại để giảm dung lượng. Dữ liệu chạy nền cũng sẽ bị hạn chế, chỉ cho phép tối đa 6 ứng dụng chạy ngầm (bạn được lựa chọn các ứng dụng này) khi bạn đang kết nối Internet di động.
Ngoài hai tính năng đáng chú ý trên trên, những ứng dụng và tính năng quen thuộc trên các smartphone tầm trung của Samung cũng đều có mặt trên J7 Prime. Đó là kho theme để thay đổi giao diện, bộ ứng dụng của Microsoft cùng 100GB dung lượng lưu trữ trên OneDrive cùng các ứng dụng riêng của Samsung như ứng dụng quà tặng Samsung, kho ứng dụng Galaxy Apps, ghi chú Samsung Note, ứng dụng sức khoẻ S Health, lịch S Planner… Bạn đọc có thể xem thêm bài đánh giá Samsung Galaxy J7 (2016) để tìm hiểu chi tiết hơn về các tính năng phần mềm có trên J7 (2016) cũng như J7 Prime.
Hiệu năng
Galaxy J7 Prime được kế thừa vi xử lý Exynos 7870 tám lõi Cortex-A53 tốc độ 1.6GHz từ mẫu đàn anh Galaxy J7 (2016) nhưng bộ nhớ đã được cải thiện lên 3GB RAM và 32GB bộ nhớ trong so với J7 (2016) chỉ có 2GB RAM và 16GB bộ nhớ trong. Bộ nhớ trong của J7 Prime còn trống 25,3GB dành cho người dùng, khá đủ với người dùng phổ thông không có nhu cầu cài nhiều game nặng trên máy.
Mặc dù RAM có cải thiện song vi xử lý Exynos 7870 không phải là mạnh khi phải đối mặt với độ phân giải Full-HD. Chính vì vậy, sức mạnh hiệu năng khi đo trên phần mềm và cả trải nghiệm thực tế của J7 Prime cũng chỉ ở mức trung bình so với các máy cùng tầm giá hiện nay, không có gì ấn tượng.
Trên phần mềm đo hiệu năng tổng thể Antutu và phần mềm đo hiệu năng xử lý của CPU là Geekbench, điện thoại này đạt điểm tương đương với Sony Xperia XA và người đàn anh J7 2016, nhỉnh hơn chút so với đối thủ cạnh tranh chính Oppo F1s. Tuy vậy, nếu so với những máy sử dụng chip xử lý Helio X10 (HTC One E9 hay Xiaomi Redmi Note 3) hay Snapdragon 650 (Xiaomi Redmi 3 Pro) thì điểm hiệu năng Antutu của J7 Prime kém khá nhiều.
Độ phân giải Full-HD có vẻ như là gánh nặng đối với chip đồ hoạ Mali T830MP tích hợp trên Exynos 7870 của J7 Prime, khiến cho điểm hiệu năng đồ hoạ đo trên phần mềm GFX Bench của máy đạt mức khá thấp so với những sản phẩm trong tầm giá hoặc thấp hơn.
Trong sử dụng thực tế, máy vẫn đáp ứng ổn thoả nhu cầu sử dụng thông thường. Tốc độ xử lý các ứng dụng cơ bản trên máy cũng như các thao tác di chuyển trên giao diện nhanh nhẹn. Tuy vậy, trải nghiệm game đồ hoạ nặng đã không còn được mượt mà như mẫu đàn anh J7 (2016) với màn hình độ phân giải HD thấp hơn. Chơi thử game Asphalt 8 thì máy tự nhận ở chế độ đồ hoạ cao (High) nhưng quá trình chơi khung hình giật lag thấy rõ. Các game tự chỉnh chế độ đồ hoạ như N.O.V.A 3 hay Dead Trigger 2 cũng kém đi độ mượt mà. Nói chung, trải nghiệm game không còn được thoải mái như với J7 (2016).
Có thể nói đây là yếu tố Samsung phải đánh đổi, màn hình Full-HD chi tiết hơn song nó cũng là gánh nặng với việc xử lý, nhất là với các ứng dụng nhiều đồ hoạ giống như các game bắn súng hay đua xe. Tuy vậy, với những người dùng phổ thông không chơi nhiều game nặng thì đánh đổi này có thể mang lại nhiều lợi ích hơn trong trải nghiệm hàng ngày.
Camera
Galaxy J7 Prime sở hữu camera sau 13MP và camera trước 8MP, cả hai đều có ống kính khẩu mở khá lớn f/1.9. Chiếc camera sau có một đèn flash trợ sáng, còn camera trước không có đèn flash như J7 (2016) và cũng không có chế độ dùng ánh sáng từ màn hình để trợ sáng nếu chụp ở môi trường tối.
Quá trình thử nghiệm nhận thấy máy có tốc độ chụp nhanh ở môi trường đủ sáng nhưng chế độ HDR hơi chậm, điểm chung của máy giá rẻ và tầm trung do vi xử lý hình ảnh tích hợp trong chip SoC không đủ mạnh.
Chất lượng ảnh thu được khá tốt. Ở môi trường đủ sáng, ảnh có chi tiết tốt, sắc nét, độ sáng hợp lý và dải sáng rộng giúp thu được nhiều chi tiết kể cả khi chụp chênh sáng. Trong điều kiện thiếu sáng, camera của J7 Prime vẫn cho chất lượng ổn, ảnh sáng rõ, độ nhiễu thấp, giữ được chi tiết và màu sắc. Tuy vậy, điểm hạn chế lớn nhất ở camera của điện thoại này là khả năng cân bằng màu không tốt, khiến màu nhiều khi bị lệch lạc, nhất là khi chụp bối cảnh màu xanh lá hoặc vàng. Điểm yếu này nhận thấy rõ ràng hơn khi so sánh ảnh chụp với chiếc Oppo F1s. Khi chụp đêm, đèn flash cũng hoạt động tương đối hiệu quả khi giúp chụp được những bức ảnh trong điều kiện rất thiếu sáng mà không làm đối tượng bị cháy sáng.
Một số ảnh chụp từ camera chính 13MP của Galaxy J7 Prime. Bạn đọc có thể bấm vào ảnh để xem ảnh gốc kích thước lớn.
Ảnh chụp tự động
Ảnh chụp ở chế độ HDR
Chụp ngược sáng bật HDR
Ảnh chụp tự động khi trời bắt đầu tối, máy xử lý nhiễu khá tốt
Chụp thiếu sáng, bật flash
Camera trước 8MP của J7 Prime cho ảnh tự sướng có tốc độ chụp nhanh và độ chi tiết khá song cũng gặp vấn đề về cân bằng trắng không ổn định tương tự camera sau. Nhìn vào ảnh chụp ngoài trời phía dưới có thể thấy màu lá cây bị xỉn, thiếu sức sống. Tuy vậy, ở một số môi trường xuôi sáng thuận lợi như bức ảnh trong nhà bên trái phía dưới thì máy cân bằng màu vẫn khá tốt.
Ảnh tự sướng từ camera 8MP của Galaxy J7 Prime.
Dưới đây là một số ảnh so sánh với camera tự sướng của Oppo F1s ở một số môi trường thiếu sáng, ánh sáng trong nhà và ngoài trời. Nhìn chung, ở khả năng chụp từ sướng, camera của Oppo F1s cho chất lượng ảnh tốt hơn cả ở độ chi tiết, màu sắc và độ sáng của bức ảnh.
Thời gian pin
J7 Prime có pin dung lượng 3300 mAh. Các smartphone của Samsung từ một hai năm trở lại đây đều có thời lượng pin khá ấn tượng, nhất là những máy dòng Galaxy J. Với màn hình độ phân giải Full-HD, J7 Prime không có được thời lượng pin ấn tượng như mẫu J7 2016 song vẫn ở mức tốt khi so sánh với các sản phẩm cùng tầm giá, hoàn toàn đủ dùng trong ngày với cả người dùng có nhu cầu rất cao.
Bài đo thời gian lướt web thực hiện trên mạng Wi-Fi thông qua chương trình giả lập việc sử dụng trong thực tế, tự động mở lần lượt và lặp lại 3 trang web phổ thông, giả lập thao tác cuộn trang để tính thời lượng pin từ 100% đến 10% với độ sáng màn hình 70%.
Xem bộ phim HD trên phần mềm MX Player, chạy lặp và tính thời gian từ lúc pin đầy 100% đến khi còn 10%. Độ sáng và âm lượng đặt ở mức khoảng 70%.
Chơi game giả lập trên phần mềm GFX Bench với độ sáng màn hình khoảng 70% cũng tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10% thì dừng.
Kết luận
J7 Prime đã chứng tỏ nỗ lực của Samsung trong việc thu hút người dùng cũng như cải thiện khả năng cạnh tranh ở phân khúc tầm trung. Đây là lần đầu tiên Samsung trang bị cho một chiếc tầm giá 6 triệu đồng thiết kế thân kim loại khá giống với những máy giá rẻ của đối thủ Xiaomi. Ngoài thiết kế đẹp mắt, sản phẩm này cũng có màn hình có độ chi tiết tốt và chất lượng hiển thị chân thực, pin có thời lượng sử dụng khá.
Hiệu năng của sản phẩm đủ đáp ứng nhu cầu phổ thông song chơi game thì thực sự khó chịu, nhất là các game nhiều đồ hoạ do phải gánh màn hình Full-HD. Camera trước và sau có tốc độ chụp nhanh, ảnh ra nhiều chi tiết và chụp đêm khá đẹp song cân bằng màu thiếu ổn định khiến nhiều bức ảnh có màu sắc lệch lạc, thiếu sức sống.