Mỹ bị nghi ngờ đang chèn ép nhân viên Huawei
Những khẳng định của Huawei được đưa ra trong thông cáo báo chí gửi đi hôm qua (4/8), theo Reuters. Theo đó, Huawei cho biết chính phủ Mỹ đang sử dụng các quyền tư pháp và hành pháp cùng các phương tiện khác để phá vỡ hoạt động kinh doanh của Huawei và đối tác trong bối cảnh họ đang nỗ lực đẩy lùi ảnh hưởng từ chiến dịch của Mỹ.
Huawei là một trong những công ty chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Ảnh: Reuters. |
Phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Mỹ không bình luận gì, chỉ nói rằng: “Trong mọi vấn đề, các bước điều tra của chúng tôi đều tuân thủ luật pháp. Tất cả đối tượng điều tra đều được hưởng các quyền tương tự theo quy định trong Hiến pháp của và được bảo vệ bởi một cơ quan tư pháp độc lập”.
Trong tuyên bố công khai của mình, Huawei nói nhân viên và các đối tác của công ty đã bị tìm kiếm, giam giữ và bắt giữ bất hợp pháp. Một số nhân viên còn bị các nhân viên FBI tới nhà và gây áp lực để thu thập thông tin về Huawei.
Theo Huawei, 8 nhân viên của họ, một vài người trong số đó là công dân Mỹ, đã liên quan đến việc này. Những người mà Huawei nhắc tới đều là nhân viên điều hành trung hoặc cao cấp. Việc mới nhất xảy ra vào ngày 28/8 khi một nhân viên từ văn phòng Huawei tại Mỹ thông báo cho công ty về việc ghé thăm bất ngờ của FBI và yêu cầu người này làm người chỉ điểm cho FBI. “Kể từ đầu năm nay, ít nhất ba nhân viên Mỹ của công ty đã được các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ liên hệ”, Huawei cho biết.
Tuy nhiên, công ty Trung Quốc không cung cấp được bằng chứng cho những cáo buộc của mình mà chỉ nói rằng các nhân viên của họ đã báo cáo với công ty.
Bộ Tư pháp cho biết FBI không có bình luận riêng.
Ngoài các cáo buộc gây áp lực cho nhân viên của mình, Huawei cũng cho rằng chính phủ Mỹ đang tiến hành các cuộc tấn công vào mạng nội bộ của họ.
Trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, chính phủ Mỹ hồi tháng 5 đã liệt kê công ty sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới vào Danh sách thực thể. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Huawei mất đi quyền tiếp cận với các sản phẩm công nghệ của Mỹ, đặc biệt là các ứng dụng và dịch vụ của Google dành cho thiết bị Android.
Ngọc Bình (theo NYT)