Dây an toàn ba điểm – ‘vệ sĩ’ 60 tuổi
Ngày 13/8/2019, dây đai an toàn 3 điểm bước sang tuổi 60, vẫn đóng vai trò của một anh hùng, ngay cả khi ai đó coi chuyện này là hiển nhiên. Công việc của người đi ôtô đơn thuần là ấn chốt. Nhưng nếu không có động tác đơn giản này, ôtô đã không được coi là phương tiện an toàn như ngày nay.
Vì sao phải thắt dây an toàn?
Thắt dây an toàn bất cứ khi nào bạn lên xe, dù có thể bị cho là trông như người già, hay công tác tuyên truyền an toàn phiền phức, lải nhải tối ngày. Nhưng hãy để ý đôi chút tới kiến thức vật lý cơ bản: khi ôtô đâm sầm vào đâu đó, dây an toàn sẽ nhanh chóng giữ bạn lại. Cơ thể thường có xu hướng chuyển động theo quán tính, nếu không thắt dây an toàn, điều gì sẽ xảy ra khi xe đột ngột dừng lại, còn bạn vẫn giữ nguyên vận tốc của quán tính ban đầu?
Dây an toàn giữ bạn không bay ra khỏi xe khi xảy ra tai nạn. Nó cũng giữ bạn không lao vào bảng điều khiển, trần xe hay các cánh cửa. Về cơ bản, nó sẽ giúp bạn tránh trở thành một viên đạn trong những tình huống như vậy.
Giải pháp cho vấn đề hành khách bay tự do này đến từ Nils Bohlin, một cựu kỹ sư hàng không. Trước khi đầu quân cho Volvo vào những năm 1950, ông đã giúp phát triển hệ thống ghế phóng cho máy bay. Tại hãng xe Thụy Điển, Bohlin được giao nhiệm vụ đưa kiến thức chuyên ngành của ông vào vận dụng, mang chuyên môn của ông về tác động của các lực cực mạnh lên cơ thể con người để tập trung vào việc giữ hành khách trong ôtô.
Nils Bohlin sử dụng sáng chế đai an toàn ba điểm năm 1959. Ảnh: Volvo |
Bản sửa lỗi
Cuối những năm 1950, sự an toàn của hành khách nhìn chung không được quan tâm. Nếu dây an toàn có được đính kèm vào ôtô mới, chúng thường cũng sẽ muôn hình vạn trạng. Khi va chạm, những chiếc dây an toàn dưới hông phân phối lực giảm tốc trên một vùng hẹp của cơ thể, so với một chiếc đai an toàn đa điểm. Đồng thời, loại dây này cũng không cố định thân mình, để mặc cho phần đầu hành khách lao về cabin. Vào thời đó, bề mặt nội thất thuần kim loại vẫn là chuẩn mực chung (đối lập với cabin có đệm lót và toàn nhựa như ngày nay). Hành khách như lòng đỏ trong quả trứng, chỉ chờ bị đánh nhuyễn.
Volvo cho rằng chiếc đai an toàn ba điểm mới ra đời đã đi trước thời đại. Ban đầu, dây được thiết kế khi thắt tạo thành một hình chữ Y. Có nghĩa là, hai đai qua hai vai rồi kéo xuống vùng giữa rốn, chốt ở đây, đầu thứ ba của đai sẽ thắt ngang từ điểm này tới điểm neo bên cạnh ghế. Vấn đề là, cách bố trí này đặt quá nhiều đai lên các phần mềm của cơ thể và được cho là phải thắt quá cầu kỳ.
Bohlin tin rằng, đai chữ Y đã rất đúng đắn khi phân bổ lực va chạm trên một vùng cơ thể rộng hơn. Tuy vậy, việc đảm bảo các lực này được phân bổ qua những vùng khỏe nhất của cơ thể cũng không kém phần quan trọng. Vì vậy, ông thiết kế một chiếc đai đan chéo qua những vùng khỏe nhất: vai, ngực và xương chậu. Đai chữ V ra đời, tồn tại tới ngày nay.
Đai chữ V cho phép người dùng dễ với tới cái ngàm, và kéo qua cơ thể tới chốt nằm ở dưới ghế. Loại dây an toàn trên máy bay, hay thậm chí loại dây an toàn 2 điểm vòng qua hông, ít nhất một trong hai loại này không có trục cuốn dây, do đó bạn cần phải dùng cả hai tay để thao tác.
Áp dụng
Dây an toàn được sử dụng phổ biến từ giữa thế kỷ trước, loại đai đời mới do Bohlin và Volvo phát triển thất bại trong việc nắm bắt thị hiếu ngay tức thời. Ngay cả Volvo ban đầu cũng chỉ lắp dây an toàn ba điểm ở hàng ghế trước; mãi đến năm 1967 hãng xe này mới thêm chúng vào hàng ghế sau.
Volvo PV544, mẫu xe đầu tiên trang bị đai an toàn 3 điểm. Ảnh: Volvo |
Volvo bán chiếc ôtô đầu tiên với hệ thống đai an toàn ba điểm như ngày nay cho một khách hàng ở Thuỵ Điển vào ngày 13/8/1959. Những xe đầu tiên có hệ thống đai an toàn này là PV544 và Amazon 120, chỉ bán ở các quốc gia Bắc Âu. Vì thế, Volvo trở thành hãng xe đầu tiên trên thế giới trang bị cho ôtô của mình hệ thống dây an toàn như một tiêu chuẩn.
Sau đó, Volvo đã nhiều năm thuyết phục phần còn lại của nền công nghiệp xe hơi rằng đai an toàn là những chiếc phao cứu sinh đáng giá. Rất nhiều buổi thuyết trình chứng minh bằng các vụ va chạm giả, dữ liệu trích dẫn và các nghiên cứu chứng minh giá trị của đai an toàn. Volvo thậm chí theo dõi từng vụ đâm xe có liên quan tới ôtô của hãng trong hơn một năm ở Thuỵ Điển (28.000 vụ) và tìm các dữ liệu chứng minh đai an toàn ba điểm đã cứu tài xế và hành khách khỏi tử vong, giảm thiểu chấn thương tới 50-60%.
Volvo còn để một bằng sáng chế mở cho thiết kế đai an toàn này, không kiện bất cứ hành vi vi phạm độc quyền sáng chế nào cũng như không tính tiền tác quyền những công ty sử dụng đai an toàn ba điểm. Volvo gần đây thông báo rằng hãng sẽ chia sẻ nghiên cứu về tai nạn và các mô phỏng trên máy tính với các trường đại học, các nhà nghiên cứu, và thậm chí là cả các hãng xe khác để họ có thể học hỏi và dựa vào những phát triển này.
Chiếc Volvo Amazon năm 1959. Ảnh: Volvo |
Đai an toàn ba điểm sử dụng cuộn triệt tiêu quán tính (khoá thanh cuộn khi xảy ra giảm tốc bất ngờ), bộ căng đai khẩn cấp (nhanh chóng thít chặt đai an toàn khi va chạm xảy ra), bộ chống quá tải (giảm thiểu lực tác động lên ngực hành khách bằng cách cho phép đai an toàn nới ra một cách có kiểm soát khi xảy ra va chạm) và thậm chí là cả túi khí được lắp đặt sẵn để phân tán sức nặng ra một vùng rộng hơn.
Mặc dù với những tiến bộ kể trên, thiết kế cơ bản của đai an toàn ba điểm không thay đổi kể từ khi Bohlin phát minh. Ngày nay thiết bị an toàn là trang bị được yêu cầu trên mỗi chiếc ôtô con, xe tải, và SUV mới. Đai an toàn là hệ thống an toàn cơ bản, ngược lại với túi khí, được xem là hệ thống an toàn bổ sung, bởi chúng bổ sung cho đai an toàn.
Mai Huyền (theo Popular Mechanics)