Chọn máy rửa bát mới hay hàng Nhật cũ
Tâm lý người dùng Việt Nam vẫn nghiêng về đồ Nhật, đặc biệt là đồ điện tử nội địa Nhật, đến nỗi, các “chợ trời” ở Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM có hẳn một khu vực chỉ bán đồ Nhật “bãi” – loại hàng đã cũ, lỗi thời, bị người Nhật “thải” ra.
Một ông chủ chuyên kinh doanh đồ Nhật tại TP HCM chia sẻ, trước những năm 2008, tiêu chuẩn đồ Nhật rất nghiêm ngặt về độ chắc chắn và vật liệu sử dụng tạo thành sản phẩm nên các sản phẩm của họ bền hơn các nước gia công khác. Tuy nhiên, những sản phẩm này khác hoàn toàn những đồ gọi là hàng “nội địa Nhật cũ” đang bán ở thị trường Việt Nam.
Người chủ trên cho hay, hàng nội địa Nhật cũ đang rao bán ở Việt Nam là hàng thải loại, được đóng thành từng container và được các cửa hàng lựa chọn lại. Sau đó, những người thợ lành nghề sẽ “nhặt ra” máy nào ưa mắt nhất trong đống đồ đó, họ “mông má”, tẩy trắng bằng hoá chất để sản phẩm trông ưa nhìn hơn. Đồng thời, họ sửa chữa, dùng các linh kiện từ các sản phẩm cũ hơn thay sang hoặc “độ” lại, sao cho nó hoạt động được tốt nhất.
Những lô hàng điện tử nội địa Nhật cũ nhập lậu về Việt Nam. |
Xét về độ bền, đồ điện tử luôn ẩn chứa rủi ro và hỏng vặt. Một chiếc nồi cơm điện mới tinh còn có thể bị hỏng ngay sau một tháng sử dụng dù chưa có bất kỳ sự can thiệp nào của người dùng vào bên trong, nên đồ cũ không thể tránh được rủi ro. Một máy rửa bát với linh kiện có tuổi đời từ 10 đến 30 năm không thể bền và tốt bằng hàng mới, chưa kể nó có nguy cơ “chết” bất kỳ lúc nào.
Anh Quốc ở quận 7, TP HCM, một tín đồ cuồng hàng Nhật và đã có nhiều “bài học” với thiết bị loại này kể. Anh từng mua một máy rửa chén Nhật hàng “bãi” giá chưa tới 5 triệu đồng. Sản phẩm có “tuổi đời” khoảng 20 năm, mang về nhà lắp đặt sử dụng được bình thường. Được khoảng 2 tháng, các chi tiết nhựa bắt đầu có dấu hiệu bị chảy và rất khó vệ sinh. “Cầm vào khay đựng cặn sau quá trình rửa, mình cảm giác lớp nhựa có vẻ sắp bong, khá rít… Có lẽ vật liệu này đã quá hạn sử dụng nên nó không chịu được nền nhiệt khi máy hoạt động”, anh nói. Ngoài ra, vợ anh thấy vật liệu nhựa bong ra thì hoài nghi, không biết những chất được tiết ra từ các linh kiện nhựa sử dụng vài chục năm qua có ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng hay không.
Nhựa bị chảy và bám bẩn vào rất khó vệ sinh. Ảnh: Quốc Phan. |
Theo anh Phong, một kỹ thuật viên điện tử chuyên sửa hàng Nhật ở quận 3, TP HCM, nếu chưa từng dùng qua hàng Nhật “bãi”, người dùng khó có câu trả lời chính xác cho quyết định mua sắm của mình. Theo trải nghiệm của mình, anh Phong khuyên người dùng nên chọn hàng mới để sử dụng. “Máy rửa bát là đồ công nghệ đầu tư lâu dài, khác với smartphone – mặt hàng có thể nhanh xuống cấp và luôn được được nâng cấp kiểu dáng, tính năng mới… Do đó, chọn mua máy rửa bát, người dùng phải cân nhắc kỹ”, anh nói.
Các dòng máy rửa bát mới hiện nay trên thị trường đều sử dụng công nghệ và linh kiện mới, lại có bảo hành và hậu mãi. Nhiều mẫu được trang bị màn hình LCD, LED, thanh chức năng với ngôn ngữ tiếng Anh và thậm chí có thể kết nối đến smartphone để kiểm soát. Trong khi những máy nội địa Nhật cũ, giao diện cũ, tiếng Nhật, có thể khiến người dùng ấn nhầm các chu trình không phù hợp với lượng chén bát cần rửa. Mặt khác, một số mẫu máy mới còn dùng công nghệ thông minh để đẩy nền nhiệt độ lên đến 70 độ C, diệt khuẩn tốt hơn, sấy nhanh hơn cũng nhưng giảm thời gian trong quy trình rửa.
Ngoài ra, anh Phong cho rằng dùng đồ Nhật “bãi” cũng ảnh hưởng đến môi trường sống. Các mặt hàng Nhật “bãi” được đưa về Việt Nam bằng container, thợ sẽ lựa chọn những mặt hàng còn dùng được, dùng các linh kiện “sống” của mặt hàng đã hỏng để thay thế vào những thiết bị lỗi. Những sản phẩm, linh kiện hỏng sẽ thải ra môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống.
Quốc Phan