Bán xe online – xu hướng mới của ngành ôtô
Một nghiên cứu mới của Frost & Sullivan đưa ra kết quả trên, gồm cả việc thanh toán hoàn toàn hoặc một phần bằng hình thức trực tuyến. Đến 2025, ước tính sáu triệu xe bán ra thông qua cách thức này.
Thương mại điện tử đang ảnh hưởng lớn tới doanh số xe bán qua mạng tại Trung Quốc. Trong khi Tesla đang ở vị trí dẫn đầu tại châu Âu và Bắc Mỹ. Renault lại là “trùm” ở Nam Mỹ, còn Hyundai đang bắt đầu nhận đặt hàng qua mạng tại Ấn Độ. Với Tesla, 66% doanh số online đều được thanh toán hoàn toàn qua mạng.
Đang ngày càng nhiều hãng xe áp dụng phương pháp bán xe online. Ảnh: BMW |
Ở lĩnh vực này, giá thấp nhất không có ý nghĩa quyết định. Thực tế, hơn 100 triệu khách hàng vẫn sẵn sàng trả mức phí hàng năm 119 USD cho dịch vụ Prime của Amazon tại Mỹ. Về bản chất, khách hàng Prime có thể trả tới 1.300 USD mỗi năm, hơn gấp đôi so với người khác. Yếu tố quyết định ở đây là giá trị. Thực tế, Amazon đã sẵn sàng gia nhập chuỗi giá trị xe điện nhằm thúc đẩy việc lắp đặt trạm sạc hợp tác với Kia và Audi.
Còn những yếu tố khác quan trọng hơn đối với khách hàng ngoài giá xe, đó là việc tiếp cận của đại lý với khách hàng, danh tiếng của đại lý, và giá đề xuất đối với xe cũ khi giao dịch bán cũ-mua mới, hay đổi hàng bù thêm tiền.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, rằng việc đổi hàng bù tiền là một yếu tố chủ chốt để xác định sự thất bại hay thành công của nền tảng bán xe online. Ước tính mỗi 100.000 lượt định giá đổi hàng bù tiền qua mạng sẽ có khoảng 5% khách hàng mở một tài khoản đăng nhập và 0,5% thực hiện việc thanh toán online.
Ngày nay, gần như mọi hãng xe lớn – như BMW, Mercedes, Jaguar Land Rover, Daimler, Peugeot, Citroen, Hyundai và Ford, cùng một số hãng khác – đã tạo ra nền tảng bán hàng trên trang web chính thức nhằm bán xe trực tiếp hoặc qua các đại lý. Tuy nhiên, trải nghiệm còn phụ thuộc vào việc các đại lý tham gia vào quá trình và khả năng điều chỉnh giá xe dựa trên yêu cầu thực tế cũng như lượng hàng trong kho. Nền tảng bán lẻ kỹ thuật số của các nhà phát triển như Gforces, Roadster và Fastlane đang giúp các đại lý số hóa nền tảng bán hàng, cung cấp cho khách hàng tiềm năng khả năng mua xe online 24×7.
Một cửa hàng của Hyundai với sự hợp tác của Rockar tại Anh. Nơi đây chỉ trưng bày ba mẫu xe, bởi việc mua xe được thực hiện trên mạng. Ảnh: Autofreaks |
Hyundai Anh nằm trong số các hãng tiên phong trong việc số hóa trải nghiệm của khách hàng: đầu tiên là qua sự hợp tác với Rockar, sau đó với nền tảng bán hàng online quốc tế của riêng họ. Cửa hàng Rockar giúp tăng sự hiện diện của Hyudai tại Anh. Với cách thức đặt xe online, Rockar giúp Hyundai tiếp cận khách hàng địa phương với kết quả đáng nể, khi 95% người mua xe sống trong phạm vi chưa đến 16 km tính từ cửa hàng.
Các hãng như Volvo, Dacia và một số ít hãng khác cũng ra mắt các nền tảng tương tự và giờ đây đã đủ dữ liệu cho việc bán xe online. Volkswagen đang xem xét gia nhập lĩnh vực này.
Mỹ Anh(theo Forbes)