Đối tác Apple làm linh kiện iPhone tại Ấn Độ
Wistron là đối tác đầu tiên của Apple gia công linh kiện iPhone tại Ấn Độ, kể từ mẫu iPhone SE giá rẻ vào năm 2017. Hiện nay, công ty cũng lắp ráp iPhone 6S và iPhone 7 tại quốc gia đông dân hai thế giới.
Wistron đã lắp ráp iPhone SE tại một nhà máy ở phía Nam thành phố Bengaluru kể từ năm 2017. Ảnh: Mac Rumors. |
Bảng mạch in do công ty Đài Loan sản xuất được coi như xương sống của thiết bị Apple, nơi lắp ráp các thành phần chính như vi xử lý, bộ nhớ và các cảm biến không dây. Quy trình này thường chiếm hơn một nửa chi phí sản xuất smartphone.
Cơ sở sản xuất iPhone thứ hai của Wistron cách thành phố Bengaluru khoảng 65 kilomet, dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 4/2020. Nhà máy với sản lượng ước tính 8 triệu smartphone mỗi năm này sẽ là nơi làm ra hai mẫu iPhone 7 và iPhone 8, phần lớn cung cấp cho thị trường Ấn Độ. Đây là một phần trong kế hoạch đầu tư trị giá 30 tỷ rupee (422,12 triệu USD) được Wistron nộp lên chính quyền bang Karnataka vào năm 2018.
Năm ngoái, Foxconn, đối thủ của Wistron, đã bắt đầu sản xuất iPhone XR với mạch in chế tạo ở Ấn Độ. Việc ngày càng nhiều đối tác mở rộng hoạt động tại đây sẽ giúp Apple tiết kiệm thuế nhập khẩu đối với các linh kiện dành cho iPhone, vốn bị chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đánh thuế cao để thúc đẩy sản xuất và tạo ra thêm việc làm cho người dân địa phương. Ngày 1/2, Ấn Độ cho biết sẽ tăng thuế nhập khẩu mạch in từ 10% lên thành 20%.
Dù phần lớn iPhone hiện nay vẫn được gia công tại Trung Quốc, Apple đã đề nghị các đối tác dịch chuyển dần dây chuyền sản xuất sang quốc gia khác, trong bối cảnh leo thang căng thẳng Thương chiến Mỹ-Trung.
Ấn Độ là thị trường tiềm năng với 1,1 tỷ thuê bao di động và khoảng 480 triệu smartphone. Tuy nhiên, iPhone với giá thành cao đang bị lép vế trước các thương hiệu smartphone bình dân như Realme hay Xiaomi. Theo thống kê của Counterpoint Research, Apple chỉ chiếm 1% thị phần smartphone tại Ấn Độ trong quý IV/2019.
Ấn Độ vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung cấp linh kiện smartphone, gồm pin, tấm nền, mô-đun camera và bảng mạch in từ Trung Quốc. Các chuyên gia nhận định, việc virus corona tiếp tục lan rộng sẽ làm gián đoạn hoạt động sản xuất smartphone tại quốc gia này.
Việt Anh (theo Reuters)