Móng giò trắng muốt nhờ hóa chất tẩy trắng
Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy-HN), bên cạnh những chiếc móng giò đã được thui nướng để phục vụ người ưa thích món “giả cầy” là những chiếc móng giò trắng muốt được xếp ngay ngắn trên phản chờ khách.
Giật mình với “công nghệ” tẩy trắng móng giò
Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy-HN), bên cạnh những chiếc móng giò đã được thui nướng để phục vụ người ưa thích món “giả cầy” là những chiếc móng giò trắng muốt được xếp ngay ngắn trên phản chờ khách.
Bà Hà (phố Trần Tử Bình) đang nhanh tay lựa những chiếc “chân sau” để về phục vụ con dâu mới sinh không khỏi băn khoăn làm thế nào mà có được những chiếc chân giò trắng như thế, cho dù ở nhà bà đã làm đủ cách mà nó vẫn tái vàng. “Tôi đã làm đủ cách, kể cả đánh chanh tươi nhưng chân giò vẫn không đẹp mã như ngoài chợ, làm gì để trắng như thế?”, bà Hà thắc mắc với người bán. liền được trả lời rằng móng giò trắng là do mới làm.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của một người bán gà vịt tươi sống gần đó, để làm móng giò trắng người ta đã ngâm trong thùng nước cả giờ và cho một chút chất tẩy làm trắng. Theo người này, dùng chất tẩy sẽ khiến cho móng giò đẹp mã, tươi mắt và không bị ôi.
“Ngày nào họ chả làm thế, cạo sạch lông, đánh móng và thả vào nước ngâm khi bán mới vớt ra chứ không làm thế làm sao nó trắng thế kia được. Còn muốn móng giò không ngâm chất tẩy thì chỉ có mua ở quê về tự làm chứ ở đây nhà nào cũng làm thế hết”, người này nói.
Tìm hiểu của PV, không chỉ dùng chất tẩy để làm trắng móng giò, một số hàng rau còn dùng để ngâm hoa chuối, chuối cây thái bán kèm với rau sống để khỏi bị thâm. Khi được hỏi về “phương pháp” chống thâm cho hoa chuối chị chủ cửa hàng rau khẳng định chỉ dùng chanh tươi và muối. Trong khi cách đó không xa, một tiểu thương khác thừa nhận “chỉ cho chút xíu axit chanh để ngâm cho mềm sợi”.
Tại chợ Đồng Xuân, khi PV lân la hỏi mua loại chất tẩy trắng thực phẩm nhiều tiểu thương ở đây đều dè dặt cho rằng không ai bán. Qua khoảng gần chục cửa hàng đồ khô, PV cũng tìm được một cửa hàng bán loại tẩy này. Theo chủ cửa hàng, chất mà người ta thường mua về để tẩy thực phẩm chính là tẩy đường hoặc axit chanh, các chất tẩy này theo người bán là được phép dùng trong thực phẩm nhưng với liều lượng vừa đủ để không độc hại. Giá mỗi loại này vào khoảng 35.000 – 40.000 đồng/ túi 0,5kg.
“Em đừng cho nhiều, một chậu nước chỉ nên pha 1 thìa cà phê bột này thôi nhé, tẩy tốt lắm, hiệu quả tức thì, vừa giòn vừa trắng”, chủ cửa hàng hướng dẫn. Túi axit chanh tẩy trắng thực phẩm được đem ra chào hàng nhìn bề ngoài giống một túi đường trắng bao bì không có nhãn mác ngoài nét chữ nguệch ngoạc bằng bút dạ ghi tên sản phẩm là “axit”.
Trao đổi với PV, TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội), tẩy đường hay còn gọi là Natri Hydrosulphite hay Sodium Hydrosulfite được dùng để tẩy đường cho trắng, nếu đường có màu, cho chút chất này vào đường sẽ trắng tinh. Nếu dùng tẩy thực phẩm ôi, thiu thì việc tẩy rửa này chỉ mang tính chất làm cho trắng sạch mà không làm mất mùi hôi thối, như vậy chỉ đánh lừa người tiêu dùng về màu sắc bên ngoài.
Còn Axit chanh còn có tên là Axít citric, là một chất bảo quản và cũng được sử dụng để bổ sung vị chua cho thực phẩm. Tuy nhiên, cùng chất đó nhưng chỉ được dùng trong thực phẩm khi trên bao bì chỉ định rõ, nếu không sẽ gây hại cho người sử dụng vì Axít citric vốn chỉ dùng trong công nghiệp tẩy rửa.
Ông Thịnh cho biết, nếu dùng chất tẩy công nghiệp để tẩy thức ăn, người ăn có nguy cơ bị nhiễm kim loại nặng và về lâu dài có thể bị ung thư.
Ngoài ra, ăn các thực phẩm được làm trắng bằng Sodium hydrosufite công nghiệp khi bị nhiễm qua đường khí quản sẽ gây khó thở, nghẹt thở.
“Nếu bán thực phẩm mà dùng hóa chất này để tẩy thì không được. Đúng loại nào dùng loại ấy, nếu bán tràn lan mà không đề trên nhãn mác là có dùng cho thực phẩm hay không tức là không dùng để tẩy đồ ăn được. Trong quá trình tẩy, các chất tồn dư như kim loại nặng vẫn tồn dư trong thực phẩm sẽ ảnh hưởng cho sức khỏe”, ông Thịnh cảnh báo.
Theo Chất lượng Việt Nam