Mỹ sắp cắt nguồn cung cấp chip của Huawei
Theo Reuters, hạn chế thương mại mới không chỉ ảnh hưởng tới các công ty Đài Loan như TSMC, hay Trung Quốc như Huawei, HiSilicon, mà còn tạo ra tác động không nhỏ tới các công ty Mỹ, như Apple, Qualcomm. “Những gì chính quyền Trump muốn làm là đảm bảo Huawei mất khả năng kiểm soát nguồn cung cấp chip”, nguồn tin giấu tên cho biết.
Huawei là tâm điểm của cuộc chiến công nghệ toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington đã cố gắng thuyết phục các đồng minh loại sản phẩm Huawei khỏi cơ sở hạ tầng mạng 5G vì nguy cơ thiết bị viễn thông Trung Quốc có “cửa hậu”, cho phép Bắc Kinh sử dụng như một công cụ gián điệp. Phía Huawei đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.
Để cắt đứt nguồn cung cấp chip của Huawei trên toàn cầu, Mỹ sẽ thay đổi quy định “Sản phẩm trực tiếp nước ngoài” (FDP), áp dụng với một số mặt hàng sản xuất ở nước ngoài dựa trên công nghệ và phầm mềm Mỹ.
Theo dự thảo sửa đổi, các công ty nước ngoài sử dụng thiết bị có nguồn gốc Mỹ để sản xuất chip phải được cơ quan quản lý của Mỹ cấp phép trước khi bán sản phẩm cho Huawei.
Huawei và các đối tác khó có thể sản xuất chip nếu thiếu thiết bị của Mỹ. Ảnh: Nikkei Asia Review. |
Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, những cáo buộc gần đây của Mỹ đối với Huawei, gồm âm mưu trộm cắp bí mật thương mại, “khẳng định quy trình cấp phép là vô cùng cần thiết. Mỹ đang có mối quan ngại sâu sắc đối với Huawei”.
Mỹ từ lâu coi Huawei là hiểm họa an ninh quốc gia và đưa công ty trụ sở ở Thâm Quyến vào danh sách đen thương mại hồi tháng 5/2019. Quyết định này khiến một số công ty Mỹ và nước ngoài phải được cấp phép đặc biệt để giao dịch với nhà sản xuất smartphone Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số chuyên gia Mỹ e ngại những quy định khắt khe tại quốc gia này sẽ thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo ở các quốc gia khác, qua đó mang lại lợi ích cho chính đối thủ của Mỹ.
Dữ liệu của công ty phân tích thị trường China’s Everbright Security cho thấy, hầu hết các nhà sản xuất chip hiện nay phụ thuộc vào thiết bị của các công ty Mỹ như KLA, Lam Research, Applied Materials. “Tại Trung Quốc, không có dây chuyền sản xuất nào sử dụng toàn bộ thiết bị lắp ráp trong nước. Do đó, việc sản xuất chip mà không có thiết bị của Mỹ là điều rất khó”, Everbright viết.
Việt Anh (theo Reuters)