Ống kính tiêu cự 35mm là ống kính ai chụp ảnh cũng nên có
Mới chụp thì cứ dùng ống KIT đi theo máy (thường là 18-55mm trên máy APS-C) để quen thiết bị, thành thạo thao tác, hiểu các yếu tố tác động lên bức ảnh được chụp… Sau đó đổi ống kính một tiêu cự giá thành vừa phải để luyện tư duy bố cục, tập thói quen dịch chuyển tìm góc chụp, trong đó có thể là 50mm (FF) – là một ống KIT cho máy ảnh ngày xưa, vừa có khẩu lớn mà giá cũng vừa phải (50mm f/1.8 khoảng 4 triệu đồng). Nhưng nếu có thể, nên sắm ống kính tiêu cự 35mm luôn. Kể cả nếu ai đó đã trải qua một cuộc bể dâu, chán chê với thú chơi ảnh ọt, chỉ muốn một máy môt ống thì đó cũng nên là ống tiêu cự 35mm. Chúng ta bàn đến tiêu cự 35mm trên hệ máy cảm biến FF, nếu máy hệ cảm biến APS-C thì có thể dùng ống 24mm để có góc nhìn tương đương.
Góc nhìn
Góc nhìn 35mm hoàn hảo. Một tiêu cự không quá rộng và không quá dài. Anh em chụp lâu năm và trải qua nhiều ống kính chắc chắn đã dùng qua các tiêu cự như 15mm, 20mm, 24mm, 28mm, 35mm và 50mm hay 85mm là những ống một tiêu cự kinh điển của nhiều hãng. Ai cũng muốn có điều kiện sở hữu được hết các tiêu cự đó. Nhưng, đến một thời điểm, một máy một ống, với mình lại chọn dùng nhiều nhất là tại tiêu cự 35mm.
Nếu tiêu cự 50mm gần với góc nhìn tự nhiên của mắt người, thì góc nhìn 35mm không quá rộng đến khó chịu mà lại được một cái nhìn hơi khác so với hàng ngày.
Tiêu cự 35mm có lẽ phù hợp với bối cảnh khá chật chội ở các điểm đường phố, hẻm ngách, kiến trúc ở Việt Nam. Có một số bối cảnh 35mm vẫn hơi chật, không lùi được, nhưng ít và nếu dùng 28mm hay 24mm thì dễ bị hiện tượng méo viền ở khoảng cách gần. Nên, góc 35mm là chọn lựa trung dung.
Tiêu cự 35mm đòi hỏi người chụp tiếp cận gần đối tượng chụp hơn 50mm, sự hiện diện của bản thân người chụp trong bối cảnh rõ ràng hơn. Xem ảnh sẽ cảm thấy sự tương tác với đối tượng chụp mạnh mẽ hơn. Và, khoảng cách ở tiêu cự 35mm khi chụp người cũng không làm đối tượng biến dạng méo mó như góc rộng hơn, hoặc “xa lạ” ít bối cảnh như góc hẹp.
Chủ đề ảnh đường phố đời thường cần sự linh hoạt trong việc tiếp cận đủ gần nhưng không làm biến dạng chủ thể. Tiêu cự 35 – 50mm chụp người có tỷ lệ đối tượng gần thật nhất, ít bị biến dạng. Nếu ống góc rộng như 20mm/ 24mm là hoàn hảo cho ảnh phong cảnh, tele/supertele hoàn hảo cho động vật chim thú hay thể thao thì tiêu cự 35mm phù hợp nhất cho chủ đề ảnh đường phố, cuộc sống con người.
Tiêu cự 35mm không phải là lựa chọn gồm tiêu chí nhỏ-gọn-nhẹ. Chỉ có một vài ống kính nhỏ nhẹ được một chút, như Sony FE 35mm f/2.8 hay Nikon AF Nikkor 35mm f/2D. Còn nếu tiêu cự 35mm có khẩu độ lớn hơn thì kích thước ống kính tăng lên, có khi khá to và nặng. Nếu là một ống kính 35mm có f/1.4 là khá nặng, và ai thích tiêu cự này với độ mở lớn thì phải chấp nhận. Thật sự cũng không thể nói là khó chịu như khi gắn một ống zoom hay tele, ngược lại trải nghiệm sẽ thích độ đầm tay chất lượng này
Giá cả
Thường thì 35mm đắt hơn ống 50mm, vì ống 50mm có thiết kế đơn giản hơn và thông dụng hơn. Các ống kính tiêu cự 35mm khẩu lớn có giá đắt, người dùng trả tiền cho chất lượng hệ thấu kính, những lớp thấu kính đặc biệt cho dòng tiêu cự khẩu lớn này, xứng đáng đối với ai sử dụng tiêu cự này nhiều hơn. Có bạn chia sẻ rằng sở hữu một ống chất lượng hơn 3 ống kém chất. Hầu hết các hãng ống kính đều làm tiêu cự 35mm f/1.4 và f/2
Nikon AF NIKKOR 35mm f/2D
Một vài ống kính tham khảo
Canon EF (FullFrame)
Chúng ta có EF 35mm f/1.4L II USM là chọn lựa tốt nhất cho anh em dùng máy ảnh Canon cảm biến FF. Nhưng nếu vì lý do tài chính, hoặc một tiêu chí nào đó, thì Sigma 35mm f/1.4DG HSM Art có thể là một sự thay thế. Nếu thật sự thích tiêu cự 35mm mà ít tiền thì vẫn có EFM 35mm f/2 IS USM là ống kính bạn nên chọn. Và, giá cả phải chăng ở tiêu cự này cho người bắt đầu với tiêu cự 35mm để trải nghiệm bổ sung cho bài này, đó là YN 35mm f/2 của Yongnuo.
Canon EF 35mm f/1.4L USM
Canon EF (APS-C)
Chúng ta có các ống tiêu cự 24mm (xấp xỉ 35mm phải là 22mm với 1.6x crop factor) chúng ta có EF-S 24mm f/1.8 STM là ống kính có dạng mỏng gọn pancake, và cũng có thể dùng tiêu cự này của ống dành cho FF là EF 24mm f/12.8 USM.
Canon EF-S 24mm f/2.8 STM
Canon EF-M (APS-C)
Các dòng máy ảnh mirrorless nhỏ của Canon như M10/ M3/ M5/ M6… cảm biến APS-C sử dụng ngàm ống kính EF-M, ở tiêu cự tương đương 35mm có một ống rất chất lượng, mình từng được trải nghiệm ddó là EF-M 22mm f/2 STM, rất tuyệt vời. Ngoài ra, chỉ có ống thay thế lấy nét tay là Rokinon 21mm f/1.4.
Canon EF-M 22mm f/2 STM
Nikon F (FX)
Chúng ta có nhiều chọn lựa cho tiêu cự 35mm gồm: AF-S Nikkor 35mm f/1.4G là ống thuộc top chất và đắt, xuống một tý có giá rẻ hơn là AF-S Nikkor 35mm f/1.8G. Ngoài ra có các ống ra đời lâu năm nhưng được khẳng định ngon bổ rẻ là AF Nikkor 35mm f/2D vẫn được Nikon sản xuất. Ai thích xoay tay lấy nét thì có các ống có hệ thấu kính cao cấp như Nikkor 35mm f/1.4 (cá nhân mình rất thích ống này). Và, rất nhiều bạn muốn bắt đầu với tiêu cự 35mm bằng ống kính được cho là rẻ và khá ổn đó là YN 35mm f/2, mình nghĩ là nên thêm để sở hữu Sigma 35mm f/1.4 DG HSM Art hoặc Tamron SP 35mm f/1.8 Di VC USD sẽ chuẩn hơn, cả về thương hiệu lẫn chất lượng lâu dài.
AF-S Nikkor 35mm f/1.4G Nano
Nikon F (DX)
Nếu dùng máy ảnh có cảm biến định dạng DX, bạn sẽ cần ống kính tiêu cự 24mm để có sự tương đương 35mm (FX). Bắt đầu là AF-S Nikkor 24mm f/1.8G ED là một ống rất tốt cho dòng DX. Nếu muốn ít tốn kém hơn thì tìm ống AF Nikkor 24mm f/2.8D
Nikon AF NIKKOR 24mm f/2.8D
Sony A
Sony có các ống khẩu lớn 35mm f/1.4 G. Bạn có thể thay thế bằng các ống của hãng khác như Sigma 35mm f/1.4 DG HSM Art, hoặc Tamron SP 35mm f/1.8 Di USD. APS-C ngàm A thì có Distagon T* 24mm f/2 ZA SSM. Ngoài ra có Samyang 24mm f/1.4 ED AS UMC.
Sony Distagon T* 24mm f/2 ZA SSM
Sony E
Bắt đầu bằng Sony Sonnar T* FE 35mm f/2.8 ZA là ống kính siêu nhỏ gọn và chất lượng. Ít ngân sách hơn thì có chọn lựa khác như Rokinon AF 35mm f/2.8 FE, hoặc thêm một chút để có ống kính khẩu lớn hơn, chất lượng quang học tốt hơn đó là Distagon T* FE 35mm f/1.4 ZA. Nếu quay video thì kiếm Zeiss Loxia 35mm f/2.
Rokinon AF 35mm f/2.8 FE – Sony E
Nếu bạn dùng máy Sony ngàm E cảm biến APS-C thì có Sonnar T* E 24mm f/1.8 ZA. Một lựa chọn thay thế rất giá trị khác cho các dòng máy Alpha ngàm E như A6000/6300/6500 là ống kính Rokinon 24mm f/1.4 ED AS IF UMC.
Pentax K
FullFrame Pentax có duy nhất lựa chọn chính hãng là smc P-FA 35mm f/2 AL. Nếu muốn thay thế bằng ống hãng khác thì có Sigma 35mm f/1.4 DG HSM Art và Rokinon 35mm f/1.4 AS UMC; nếu là máy APS-C thì bạn có ống chính hãng Pentax DA 21mm f/3.2 AL Limited (sẽ tương đương tiêu cự 31.5mm / FF).
Pentax HD Pentax DA 21mm f/3.2 AL Limited
Fujifilm X (APS-C)
Fujifilm có hệ thống máy ảnh APS-C nên ống kính tiêu cự 23mm của hãng này sẽ là chọn. Chúng ta chỉ có hai lựa chọn nên dễ dàng hơn, hoặc XF 23mm f/2 R WR là chiếc ống mới nhất chịu được thời tiết, hoặc XF 23mm f/1.4 Rlà ống khẩu lớn hơn và chất lượng quang học tốt hơn.
Fujifilm XF 23mm f/2 R WR
Micro Four ThirdsCảm biến này chúng ta phải tìm tiêu cự 17,5mm để x2 sẽ tương đương 35mm (FF). Chúng ta có Voigtlände Nokton chuyên dụng với tiêu cự 17.5mm f/0.95 rất độc đáo khi chụp bokeh; thông dụng hơn có Olympus M.Zuiko Digital 17mm f/1.8 hoặc Sigma 19mm f/2.8 DN hoặc Rokinon 16mm f/2 ED AS UMC CS.
Voigtländer Nokton 17.5mm f/0.95 – Micro 4/3
Leica M
Nếu dùng thân máy Leica mà muốn đồng bộ Leica thì dùng ống kính Leica với các lựa chọn khác như Summarit-M, Summicron-M và Summilux-M. Summarit là ống kính cực kỳ nhỏ gọn có khẩu f/2.4 và giá cả dễ chịu nhất. Summicron với khẩu f/2 được đánh giá hệ thấu kính cao cấp hơn và cũng nhỏ gọn; và cuối cùng là Summilux f/1.4 là lựa chọn khẳng định đẳng cấp về cả chất lượng lẫn số tiền để sở hữu. Rất may cho những ai thích Leica nhưng không thể tậu 1 trong 3 ống kính tiêu cự 35mm trên, có thể tham khảo các lựa chọn từ Zeiss và Voigtlände.
Leica Summilux-M 35mm f/1.4 ASPH
Trải nghiệm tiêu cự 35mm (FF) sẽ nhận ra trường nhìn của tiêu cự này là hoàn hảo. Không phải tiêu cự này giải quyết hết mọi nhu cầu về ống kính, vì dĩ nhiên tuỳ theo nhu cầu mà bạn sẽ phải có những dải tiêu cự ngắn hơn hoặc dài hơn phù hợp. Nhưng 35mm là tiêu cự nên có.