Tranh cãi về smartphone màn hình 120 Hz
Mỗi năm, ngành công nghiệp smartphone đều giới thiệu xu hướng công nghệ mới. Nếu thiết kế “tai thỏ” dẫn đầu năm 2018, màn hình đục lỗ tích hợp cảm biến vân tay bên dưới bắt đầu trở nên phổ biến hơn vào năm 2019, 2020 là năm của màn hình tần số refresh cao. Tần số refresh được tính theo đơn vị Hertz (Hz).
Samsung đã mở màn cho xu hướng này với bộ ba Galaxy S20 trang bị màn 120 Hz. OnePlus cũng xác nhận đang phát triển màn “Fluid Display” với tần số refresh 120 Hz cho OnePlus 8. Năm ngoái, Google Pixel 4 cũng được đánh giá cao nhờ màn hình “Smooth Display” 90 Hz.
Theo Jerry Kang, chuyên gia phân tích của IHS Markit, tần số refresh là thông số quan trọng bậc nhất đối với bất kỳ màn hình nào và vai trò của nó trên màn hình smartphone ngày càng tăng lên. “Tần số refresh liên quan đến số lần màn hình nhấp nháy trong mỗi giây”, Kang giải thích. “Màn hình phổ thông thường có tần số refresh 60 Hz. Thông số này rất khó nhận ra bằng mắt thường”.
Thao tác cuộn trên màn 120 Hz mượt mà hơn màn 60 Hz. Ảnh: Sam Mobile. |
Ví dụ, tất cả iPhone hiện nay đều có màn 60 Hz nghĩa là màn hình iPhone có khả năng nhấp nháy (hay làm tươi) 60 lần mỗi giây. Dù 60 Hz đã là đủ tốt đối với hầu hết thiết bị, nhưng tần số refresh càng cao thì hiển thị nội dung càng mượt.
Người dùng có thể kiểm chứng khi sử dụng iPhone 11 và Pixel 4. Trải nghiệm vuốt trên màn hình iPhone 11 kém trơn tru hơn Pixel 4 đôi chút. Tuy nhiên, sự khác biệt chỉ thể hiện rõ ràng khi xem phim hay chơi game, những tác vụ cần tốc độ khung hình cao.
Tần số refresh và tốc độ khung hình
Ngoài tần số refresh, chất lượng hiển thị còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, gồm tốc độ khung hình của nội dung gốc. Tốc độ khung hình được tính theo số khung hình trên giây hay fps. Thông thường, các bộ phim được phát ở tốc độ 24 fps, trong khi trò chơi hoạt động ở 30 fps hoặc 60 fps.
Tốc độ khung hình thấp thì nội dung hiển thị có cảm giác khựng giật, trong khi tốc độ khung hình cao trông mượt mà hơn. Ảnh: Mashable. |
“Tốc độ khung hình cao sẽ thu hút người dùng khi xem phim hay chơi game vì khung hình của chúng thay đổi rất nhanh”, Kang cho biết.
Thực tế cho thấy, tốc độ khung hình cao tạo ra sức hút lớn đối với các game thủ, hơn cả người hâm mộ điện ảnh. Một số bộ phim có kinh phí lớn như Gemini Man của đạo diễn Lý An đã thử phát hành phiên bản khung hình cao và đạt được thành công nhất định, nhưng nhiều game PC đã cho phép hiển thị trên 60 fps từ lâu nếu phần cứng đủ mạnh.
Kang nói rằng mối quan hệ giữa tần số refesh của màn hình với tốc độ khung hình là yếu tố cực kỳ quan trọng. Ví dụ, trò chơi xuất ra ở tốc độ 120 fps trên màn hình 60 Hz sẽ có hiện tượng “screen tearing”, nơi hình ảnh như bị cắt làm đôi.
Hiện tượng rách hình hay bóng mờ sẽ xuất hiện khi tốc độ khung hình không đồng bộ với tần số refresh của màn hình. Ảnh: Tech Term. |
Để đảm bảo nội dung hiển thị ở chất lượng cao nhất, tốc độ refresh của màn hình phải đồng bộ tốc độ khung hình. Cụ thể, trò chơi chạy ở tốc độ 120 fps trên màn 120 Hz sẽ mượt hơn trò chơi tương tự ở 60 fps trên màn 60 Hz. Trong tương lai, màn hình hỗ trợ tần số refresh tốt hơn, nội dung đa phương tiện sẽ được sản xuất ở tốc độ khung hình cao hơn.
Màn hình 90 Hz và 120 Hz có thể hiển thị nội dung mượt mà hơn, nhưng lại tiêu tốn nhiều năng lượng hơn. Khi dùng smartphone với màn hình tần số refresh cao, thời lượng pin sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thói quen sử dụng.
Android Authority đã tiến hành kiểm tra thời lượng pin trên OnePlus 7 Pro, máy có thể duyệt web liên tục trong vòng 692 phút với thiết lập chất lượng Full HD (2.336 x 1.080 pixel) và tần số refresh 60 Hz. Tuy nhiên, khi tăng chất lượng lên Quad HD (3.120 x 1.440 pixel) và tần số refresh 90 Hz, thời gian hoạt động bị rút ngắn còn 552 phút.
Smartphone có màn 90 Hz hay 120 Hz phù hợp cho game thủ di động. Ảnh: Mashable. |
Tuy nhiên, các game thủ di động chắc chắn sẽ bị cuốn hút bởi tần số refresh cao. Hiện nay, một số trò chơi đã hỗ trợ tốc độ khung hình cao hơn 60 fps. Razer còn làm những mẫu smartphone chuyên dụng để đem lại trải nghiệm cao trong các game này. Ngoài ra, mọi thao tác khác cơ bản trên màn 90 Hz hay 120 Hz như cuộn trên ứng dụng mạng xã hội cũng tốt hơn.
Đối với người dùng phổ thông, màn hình tần số refresh cao chỉ khiến giá smartphone thêm đắt đỏ. “Các vật liệu và bảng mạch tạo nên pixel cần được thiết kế lại để đáp ứng nhu cầu về tốc độ khung hình cao, qua đó làm tăng chi phí sản xuất”, Kang nói.
Trong vòng một hoặc hai năm nữa, mọi điện thoại có thể sẽ trang bị màn 90 Hz trở lên và thậm chí một số còn có giá phải chăng. Nhưng hiện tại, màn hình tần số refresh cao chỉ nhắm tới phân khúc người dùng nhất định.
Việt Anhtổng hợp